BÁO CÁO TÓM TẮT
KẾT QUẢ ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
NGHIÊN CỨU TÍN DỤNG NGÂN HÀNG TÁI CANH CÀ PHÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
Chủ nhiệm đề tài: TS. Trịnh Đức Minh
Thuộc cơ quan/đơn vị: Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột
Nhóm thực hiện nghiên cứu:
1. Lê Thị Mỹ Tâm
2. Lê Thị Lệ Thủy
3. Nguyễn Ngọc Duy Tuệ
4. Trần Khải Nam Trung
5. Phan Quốc Lập
6. Đinh Văn Thơi
7. Nguyễn Thị Thủy Triều
8. Đào Thị Hà
9. Phạm Việt Hùng
Và sự phối hợp thực hiện của Công ty cổ phần Cà phê 123
BÁO CÁO TÓM TẮT
ĐỀ TÀI “NGHIÊN CỨU TÍN DỤNG NGÂN HÀNG TÁI CANH CÀ PHÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK”
1. Dẫn nhập
Cây cà phê có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp của Đắk Lắk và là nguồn thu nhập lớn của người dân. Do đó, chương trình tái canh cà phê ở tỉnh Đắk Lắk đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở ban ngành cùng thực hiện. Theo biên bản ghi nhớ về việc tài trợ vốn đầu tư tái canh diện tích cà phê già cỗi tại Đắk Lắk, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết ưu tiên cân đối nguồn vốn khoảng 3.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng theo chương trình tái canh cà phê. Tuy nhiên, do chính sách tín dụng vẫn còn nhiều bất cập nên nhiều nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng tái canh cà phê. Thậm chí, một số nông hộ, doanh nghiệp không còn thiết tha với nguồn vốn này.
Từ bối cảnh trên, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu tín dụng ngân hàng tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” trở nên cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.
-
Kết quả và thảo luận
Tái canh cà phê là giải pháp quan trọng giúp phát triển bền vững ngành cà phê, nguồn lực kinh tế lớn nhất cho khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, Chính phủ đã hỗ trợ gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng cho hoạt động tái canh cà phê toàn vùng Tây Nguyên, trong đó, riêng Đắk Lắk là 3.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, tiến độ giải ngân nguồn vốn tín dụng tái canh trên địa bàn Đắk Lắk diễn ra rất chậm. Đến tháng 3/2017, dư nợ cho vay của 02 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn đạt 77.589 triệu đồng chiếm 2,59% kế hoạch giao ước 3.000 tỷ đồng, diện tích cà phê đã thực hiện tái canh là 2.438 ha chiếm 12,12% diện tích cà phê đã tái canh đến hết năm 2016, nhưng chiếm 5% diện tích cà phê cần thực hiện tái canh theo kế hoạch giai đoạn 2011 - 2020. Điều này cho thấy, tính đến hết năm 2016, nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê sử dụng nguồn vốn tự có hoặc nguồn vốn khác để thực hiện tái canh cà phê là rất cao chiếm 87,88%. Và nếu tính trên số kế hoạch giải ngân của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 3.000 tỷ thì tỷ lệ diện tích cà phê cần thực hiện tái canh đến năm 2020 cần đến 50% nguồn vốn từ vốn tự có hoặc nguồn vốn khác.
Qua nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy nhu cầu vay vốn tái canh cà phê là rất lớn. Theo kết quả điều tra, khoảng 80% nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê đều có mong muốn vay vốn tái canh cà phê không phân biệt quy mô sản xuất hoặc địa bàn. Khi chia 321 nông hộ được điều tra thành 3 nhóm dựa vào diện tích sản xuất cà phê (dưới 1 ha, từ 1-3 ha, từ 3 ha trở lên), nhu cầu tái canh hoàn toàn 100% diện tích cà phê chủ yếu là nhóm nông hộ có diện tích dưới 1 ha chiếm 62,92%. Có 87,67% nông hộ đã vay được ở các tổ chức tín dụng theo cơ chế thương mại thông thường. Doanh nghiệp có nhiều lợi thế so với nông hộ trong việc đảm bảo thu nhập, các tài sản thế chấp, tín chấp nên có đến 70% doanh nghiệp được điều tra có vay được vốn tín dụng tái canh cà phê.
Tuy nhu cầu vay tái canh cà phê rất lớn nhưng bên vay đang gặp một số trở ngại trong việc tiếp cận gói tín dụng tái canh cà phê. Một là, hạn mức cho vay thấp nên bên vay không tuân thủ quy định tái canh của Cục Trồng trọt. Hai là, bên vay gặp trở ngại về tài sản thế chấp, xác nhận đất canh tác nằm trong vùng quy hoạch tái canh. Ba là, thông tin bất cân xứng trong hoạt động tuyên truyền của các cơ quan quản lý nhà nước. Bốn là, thông tin bất cân xứng trong hoạt động tín dụng. Năm là, năng lực xây dựng phương án kinh doanh của bên vay còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, đề tài cũng đã tham khảo một số kinh nghiệm quốc tế trong triển khai tín dụng ngân hàng từ Brazil và Colombia, là những quốc gia sản xuất cà phê lớn của thế giới. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm hiểu những kinh nghiệm của Bangladesh trong việc xây dựng chương trình tín dụng vi mô theo nhóm.
Dựa trên kết quả triển khai chính sách tín dụng tái canh cà phê, điều tra thực tế nhu cầu và trở ngại khi tiếp cận tín dụng tái canh cà phê của nông hộ, doanh nghiệp, tham khảo một số kinh nghiệm quốc tế trong triển khai tín dụng ngân hàng, nghiên cứu đã xây dựng hệ thống các giải pháp giúp khắc phục những trở ngại còn tồn tại. Trong đó, cơ quan nhà nước cần tăng suất đầu tư lên 300 triệu đồng/ha; thay đổi phương thức xác định diện tích tái canh cà phê; đẩy mạnh tiếp cận thông tin; xây dựng Quỹ hỗ trợ ngành hàng cà phê Việt Nam; xây dựng mô hình trái phiếu sản phẩm nông thôn với cấu trúc 4 thành phần. Để có thể vay vốn tái canh dễ dàng hơn yêu cầu người nông dân phải nâng cao trình độ xây dựng một kế hoạch kinh doanh khả thi đồng thời cần chú trọng đến mô hình sản xuất liên kết. Giải pháp đối với ngân hàng là thay đổi phương thức và thủ tục cho vay; triển khai mô hình cho vay theo nhóm không thế chấp, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ tín dụng.
3. Kiến nghị
Trên cơ sở những phân tích và giải pháp đề xuất như trên, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị như sau:
3.1 Đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk
Thứ nhất, kiến nghị chính phủ đẩy nhanh thành lập Quỹ phát triển ngành cà phê Việt Nam.
Thứ hai, kiến nghị chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành quy định xác định chính xác diện tích quy hoạch tái canh gắn với vị trí quyền sử dụng đất của người trồng cà phê. Có như vậy, chính quyền địa phương mới dễ dàng xác nhận diện tích tái canh cho nông hộ hoàn tất thủ tục vay vốn.
Thứ ba, kiến nghị chính phủ soạn thảo chính sách tín dụng dành riêng cho tái canh cà phê với hạn mức vay tối đa là 300 triệu đồng/ha cà phê. Chính sách quy định cụ thể: (i) Đối với cho vay có tài sản đảm bảo, thời hạn cho vay tối thiểu 8 năm, ân hạn nợ gốc và lãi vay 5 năm, giải ngân một lần; Đối với cho vay bảo đảm theo cơ chế tổ nhóm, thời hạn cho vay tối thiểu 10 năm, ân hạn gốc 5 năm đầu, không ân hạn lãi vay, giải ngân theo tiến độ (ii) hỗ trợ bằng hình thức tái cấp vốn 100% vốn đầu tư.
Thứ tư, kiến nghị chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu áp dụng CPR cho ngành cà phê, tạo dựng doanh nghiệp “đầu tàu” triển khai mô hình này để phát triển thành công mô hình sở giao dịch hàng hóa đã được hình thành ở Việt Nam từ lâu nhưng vẫn loay hoay chưa tìm được cách thức triển khai hoạt động cho phù hợp thực tế thị trường.
Thứ năm, chỉ đạo các cơ quan chính quyền huyện, xã phối hợp với tổ chức tín dụng trong việc xác lập các nông hộ có những điểm tương đồng về điều kiện xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các tổ nhóm vay vốn.
Thứ sáu, chỉ đạo Ban chỉ đạo tái canh cà phê đa dạng phương pháp tuyên truyền chính sách tín dụng tái canh cà phê đảm bảo chất lượng và số lượng đến với tất cả doanh nghiệp, nông hộ có nhu cầu tái canh cà phê. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực thi nhiệm vụ của công chức, đề xuất Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành cơ chế khen thưởng – kỷ luật trong hoạt động tái canh cà phê tạo động lực cho ban chỉ đạo và tổ giúp việc hoạt động hiệu quả hơn.
Thứ bảy, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Trung tâm khuyến nông) chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hệ thống tưới tiêu, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Bên cạch đó, nghiên cứu phối hợp với hiệp hội ngành hàng và các đơn vị tài trợ trong các hoat động trên để xây dựng chương trình hỗ trợ, đào tạo, tuyên truyền xuyên suốt, không trùng lắp và có tính dài hạn.
3.2 Đối với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Lắk
Ngân hàng Nhà nước tỉnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Một là, cho phép tất cả các ngân hàng thương mại được hưởng chính sách tín dụng tái canh cà phê để tạo môi trường cạnh tranh và người nông dân dễ dàng tiếp cận vốn vay.
Hai là, chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ cấu, tổ chức phù hợp để triển khai cho vay tái canh cà phê đối với hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn đạt hiệu quả.
Ba là, dư nợ cho vay tái canh cà phê không tính vào dư nợ trung dài hạn của NHTM để xác định tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn.
3.3 Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk
Thứ nhất, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Đắk Lắk và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không tính dư nợ cho vay tái canh cà phê vào dư nợ trung dài hạn để xác định tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn.
Thứ hai, trên cơ sở giải pháp đề xuất tại mục 4.3.2.2 ở trên, nghiên cứu xây dựng và đề xuất Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cách thức triển khai cho vay tái canh cà phê bằng hình thức tổ vay vốn.
Thứ ba, đề xuất Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có cơ chế riêng đối với cán bộ tín dụng phụ trách gói tái canh cà phê. Cụ thể: (i) quyền lợi: (1) phụ cấp địa bàn, (2) thưởng doanh số; (ii) nghĩa vụ: (1) giải đáp những thắc mắc liên quan đến quy trình tín dụng, tiến độ giải ngân, thủ tục hành chính cho các nông hộ, (2) theo dõi giải ngân, thu nợ và giải đáp tất cả thắc mắc của nông hộ thông qua hệ thống sổ sách, (3) cầu nối giữa nông hộ với chính quyền địa phương, đơn vị hỗ trợ cho dự án tái canh cà phê như giống, phân bón…
Nội dung chi tiết xem thêm trong file đính kèm phía trên!