TỶ GIÁ USDBRL
- Nguồn: Bloomberg -
Hình 1: Diễn biến giá cà phê Robusta trong niên vụ 2015/2016
Sau khi tăng mạnh mẽ trong năm 2014, giá cà phê kỳ hạn giảm nhiều và liên tục từ tháng 11/2014 đến cuối tháng 2/2016, khiến giá cà phê nhân xô tại Việt Nam có lúc giảm dưới 30 triệu/tấn. Nhưng, từ tháng 3/2016, giá cà phê đã tăng tăng bền bỉ, mãnh liệt, không ngừng và tăng rất cao. Giờ này năm ngoái, chẳng ai dám nghĩ bây giờ lại có lúc giá cà phê nhân xô ngấp nghé mức 43 triệu/tấn. Vậy mà điều đó đang xảy ra...
Ngày cuối cùng của niên vụ 2015/2016, giá cà phê Robusta giao tháng 12/2016 đã chốt ở mức trên 2000 USD/tấn, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2015, kết thúc một niên vụ cà phê đầy cảm xúc cho cả nông dân và doanh nghiệp trồng, kinh doanh cà phê.
Cà phê Robusta đã tăng 41% so với mức thấp nhất vào ngày 25/02/2016, còn cà phê Arabica tăng ít hơn, chỉ 26,93% so với ngày có giá thấp nhất niên vụ là 01/03/2016. Mặc dù vậy, giá cà phê Arabica đã chiếm vị trí top ten trong bảng xếp hạng các tài sản giao dịch năng động nhất trên Sở giao dịch liên lục địa ICE (New York).
Hình 2: Arabica tăng giá 12,48% kể từ 01/01/2016
(và tăng 26,93% kể từ mức thấp nhất niên vụ 2015/2016)
Có nhiều nguyên nhân khiến giá cà phê tăng mạnh mẽ trong những tháng qua. Trong đó, biến đổi khí hậu khiến các vùng trồng cà phê Robusta tại Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Brazil bị thiệt hại nặng nề, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng mạnh, tồn kho cà phê cuối vụ giảm mạnh, đồng USD suy yếu trong năm 2016 so với cuối năm 2015 và có lẽ quan trọng nhất là sự tăng giá của đồng nội tệ Brazil, ký hiệu BRL.
Trong hình 2, chúng ta có thể thấy đồng nội tệ BRL của Brazil chiếm vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng, tăng 31,18% kể từ đầu năm, trong khi chỉ số USD nằm trong nhóm giảm giá, giảm 3,15% kể từ đầu năm.
Tỷ giá USDBRL đã tăng liên tục (hay đồng BRL giảm giá so với USD) cho tới cuối tháng 2/2016, lên mức 4.2 là nguyên nhân chủ yếu khiến giá cà phê giảm mạnh trong 5 tháng đầu tiên của niên vụ 2015/2016. Sau đó, tỷ giá USDBRL đảo chiều giảm mạnh về 3.1162 là nguyên nhân chính cho sự tăng giá của cà phê.
Theo lý thuyết, khi đồng nội tệ của Brazil suy yếu, nghĩa là tỷ giá USDBRL tăng, thì giá cà phê nội địa tại Brazil sẽ tăng giá, khiến lực bán gia tăng, xuất khẩu cà phê từ Brazil tăng mạnh, nguồn cung tăng nên giá cà phê kỳ hạn tại New York sẽ giảm, và ngược lại. Các đồng tiền cà phê khác (các đồng nội tệ của các nước sản xuất cà phê chủ lực như Colombia, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Mexico,...) cũng có tác động tương tự lên giá cà phê, nhưng đồng real của Brazil là quan trọng nhất, vì đồng real biến động mạnh, Brazil là nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đồng thời là đại diện cho khối các thị trường mới nổi, nơi mà dòng vốn đầu tư ra vào liên tục theo nhịp điệu đầu tư toàn cầu...
Trong những năm qua và đặc biệt là trong năm 2016, bất ổn kinh tế địa chính trị toàn cầu, áp lực tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cuộc chiến chống tham nhũng và nỗ lực truất phế nữ Tổng thống Dilma Rousseff và quyết tâm phục hồi kinh tế của Tổng thống mới, ông Michel Temer... đã khiến đồng nội tệ BRL biến động mạnh. Sự biến động này đã tác động mạnh và trực tiếp lên giá cà phê. Còn nhớ năm 2011, tỷ giá USDBRL giảm còn 1.5 đã khiến giá cà phê tăng cao lên mức kỷ lục 52 triệu/tấn tại Việt Nam và sau đó, tỷ giá USD tăng lên 4.2 đã khiến giá cà phê giảm thê thảm.
Sức mạnh đồng real so với USD tỷ lệ nghịch với giá cà phê kỳ hạn hay nói khác đi là tỷ giá USDBRL tăng thì giá cà phê giảm và ngược lại.
Chúng ta quan sát diễn biến tỷ giá USDBRL so với giá cà phê Arabica và Robusta trong niên vụ 2015/2016:
Hình 3: Tương quan giữa tỷ giá USDBRL và giá cà phê Arabica ngược chiều nhau.
Hình 4: Tương quan giữa tỷ giá USDBRL và giá cà phê Robusta ngược chiều nhau.
Niên vụ 2015/2016, giá cà phê biến động thật đặc biệt và cho tới ngày kết thúc niên vụ 2015/2016, nhiều chuyên gia phân tích thị trường cà phê kỳ cựu cũng như những người làm kinh doanh cà phê lâu năm cũng vẫn còn bỡ ngỡ, chưa thấu hiểu hết điều gì đã thật sự xảy ra, bởi lẽ giá cà phê tăng nhanh quá, tăng lạ quá và tăng cả trong những tháng mùa thu (của Việt Nam), điều mà xưa nay hiếm có.
Giờ nhìn lại, ngoài yếu tố tác động tiêu cực của thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới cây cà phê và sản lượng cà phê (chủ yếu là Robusta) thì rõ ràng, vai trò của đồng nội tệ Brazil được nhìn nhận là quan trọng hơn cả.
Vậy thì, hôm nay, ngày 1 tháng 10 năm 2016, chúng ta thử phân tích diễn biến tỷ giá USDBRL trong thời gian tới để qua đó, dự báo giá cà phê xem sao?
Thứ nhất, xét bối cảnh chung, Fed đã tăng lãi suất lần đầu tiên vào tháng 12/2016, đưa đồng USD lên đỉnh cao nhưng sau đó liên tục chần chừ trong việc tăng lãi suất trong năm 2016 nên đồng USD đã giảm giá 3,15% so với đầu năm. Đây là một yếu tố khiến giá cà phê tăng và đồng thời khiến tỷ giá USDBRL giảm, lại tiếp tục giúp giá cà phê tăng.
Nhưng, gần như chắc chắn rằng Fed sẽ bắt đầu lộ trình tăng lãi suất trong tương lai gần. Có thể là vào kỳ họp Ủy ban thị trường mở liên bang FOMC vào tháng 12 năm nay. Chỉ số USD đang vững vàng trở lại và ổn định trên mức 95 điểm. Các phân tích đa chiều đang dự báo chỉ số USD sẽ tăng mạnh trong vài tháng tới, thậm chí vượt 100 điểm. Đồng USD mạnh lên sẽ làm giá cà phê suy yếu và Fed tăng lãi suất sẽ khiến dòng vốn đầu tư sẽ được rút ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Brazil. Đồng real sẽ suy yếu.
Thứ hai, Brazil là nước xuất khẩu hàng hoá hàng đầu của thế giới. Giá cả hàng hoá tăng mạnh trong thời gian qua đã hậu thuẫn nhiều cho đồng real. Nhưng, nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu giảm tốc, phát triển chậm lại đồng nghĩa với nhu cầu hàng hoá giảm thiểu, giá cả hàng hoá sẽ khó tăng cao hơn nữa, thậm chí suy giảm. Đồng real sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Vàng, ông vua hàng hoá, đang giảm nhiều là một kim chỉ nam cho thấy thị trường hàng hoá sẽ rơi vào trạng thái giảm giá trong tương lai gần. Đồng real sẽ mất giá nếu giá cả hàng hoá đi xuống....
Thứ ba, trải qua nhiều năm tháng ngập trong khủng hoảng kinh tế và địa chính trị, Brazil đang muốn hồi phục kinh tế, tăng cường xuất khẩu hàng hoá. Do vậy, một chính sách đồng tiền yếu đang được xem xét kỹ càng. Lãi suất của NHTW Brezil đang quá cao, sát 15% sẽ được hạ xuống, đồng BRL sẽ bị phá giá theo chân đồng Nhân dân tệ (vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil). Tỷ giá USDBRL đang trong xu thế tăng dần để cứu nền kinh tế xếp thứ 7 thế giới chủ yếu nhờ xuất khẩu hàng hoá này.
Thứ tư, về phương diện kỹ thuật, tỷ giá USDBRL trong ngắn hạn (đồ thị H1) đang có tín hiệu tăng rất mạnh, trong dài hạn thì có khả năng tăng qua mức kỷ lục của năm 2016 là 4.2. Chúng ta quan sát đồ thị:
Hình 5: Trong ngắn hạn, tỷ giá USDBRL sẽ tăng mạnh
Hình 6L Trong dài hạn, tỷ giá USDBRL đã hoàn thành sóng giảm từ 4.2 về 3.11
và có thể tăng mạnh lên trên 5.0
Và cuối cùng, bạo phát sẽ bạo tàn!
Và ngược lại...
Một chuyên gia không thể lúc nào cũng dự báo đúng, đúng quá rồi sẽ sai nhiều, sai nhiều sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng lại và sẽ trở nên rất đúng...
Cũng như một con sóng mà thôi.
Có lẽ vậy!
HOÀNG KIM - 123 GROUP