Tính toán hiệu quả tài chính trong tái canh cà phê ở Đắk Lắk20/05/2016 20:37

Diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng ở Đắk Lắk khiến chính quyền địa phương phải tìm cách khắc phục. Một trong số đó là tái canh theo chương trình hợp tác tài trợ vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Agribank). Bài viết là kết quả phân tích tính khả thi của tái canh về mặt tài chính.


 ...

ảnh nguồn báo Lâm Đông

Từ thực tiễn cấp bách phải tái canh

Ngành hàng cà phê đã có đóng góp 35% GDP và 85% giá trị xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk, tạo việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và khoảng 100.000 lao động gián tiếp (UBND tỉnh Đắk Lắk, 2013). Tuy nhiên, ngành cà phê của Tỉnh đang đứng trước thách thức do nhiều vườn cà phê đã già cỗi (trên 20 năm tuổi), sinh trưởng kém, năng suất thấp (dưới 1,5 tấn/ha) và không có khả năng cưa đốn phục hồi hay ghép cải tạo.

Tính đến năm 2012, diện tích cây cà phê trên 20 năm tuổi là 47.434,8 ha chiếm 23,48% và có năng suất bình quân là 19,28 tạ/ha (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, 2013). Trong đó, diện tích cần tái canh giai đoạn 2012-2020 là 29.590 ha. Như vậy, mỗi một hecta cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi cho sản lượng dưới 1,5 tấn/ha, thì với diện tích 29.590 ha cà phê già cỗi cần tái canh, hàng năm sản lượng suy giảm do cây cà phê già cỗi tỉnh Đắk Lắk vào khoảng 44.385 tấn cà phê. Đây là một thiệt hại lớn.

Trước vấn đề trên, Chương trình Tái canh cà phê ở tỉnh Đắk Lắk đã được UBND Tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành cùng phối hợp thực hiện. Ngày 12/4/2013, UBND tỉnh Đắk Lắk và Agribank tỉnh Đắk Lắk đã ký biên bản ghi nhớ về việc tài trợ vốn đầu tư tái canh số diện tích cây cà phê đã già cỗi tại địa phương. Trong đó, Agribank cam kết ưu tiên cân đối nguồn vốn khoảng 3.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng theo chương trình tái canh cây cà phê.

Có hiệu quả về mặt tài chính?

Để đánh giá tính khả thi về tài chính của hoạt động tái canh cà phê theo chương trình tín dụng mà Agribank tỉnh Đắk Lắk tài trợ, tác giả đã thực hiện một nghiên cứu với đối tượng là những vườn cà phê trên 20 năm tuổi, sinh trưởng kém và năng suất bình quân nhiều năm liền dưới 1,5 tấn/ha, không thể áp dụng biện pháp cưa, đốn, phục hồi hoặc ghép cải tạo, phải tái canh trên cả vườn cà phê của Đắk Lắk.

Dựa vào định mức kinh tế-kỹ thuật cho trồng mới và chăm sóc cây cà phê theo quy trình tái canh cây cà phê vối do Cục Trồng trọt ban hành, thì chi phí đầu tư là 282.657.994 VND/ha (Bảng 1). Với Chương trình Tái canh cây cà phê mà Agribank tỉnh Đắk Lắk tài trợ, thì vốn thực hiện 30% là tự có của người dân (vốn chủ sở hữu), 70% phần còn lại được tài trợ bởi nguồn vay tín dụng đầu tư của Agribank. Như vậy, chi phí sử dụng vốn trung bình (WACC) trước thuế danh nghĩa áp dụng cho hoạt động tái canh cà phê theo tính toán, mà tác giả thực hiện là 13,99%/năm.

Bảng 1: Chi phí đầu tư cho 1 ha tái canh cà phê (VND, giá danh nghĩa)

 

Chi phí đầu tư

Năm cải tạo đất

Năm trồng tái canh

Tổng cộng

Năm 1

Năm 2

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Chi phí cải tạo đất

22.059.250

8.628.000

 

 

 

30.687.250

Chi phí luân canh

24.830.500

26.779.694

 

 

 

51.610.194

Chi phí trồng mới

 

 

92.815.113

 

 

92.815.113

Chi phí KTCB

 

 

 

51.665.367

55.880.070

107.545.436

Tổng chi phí

46.889.750

35.407.694

92.815.113

51.665.367

55.880.070

282.657.994

 

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào định mức kinh tế kỹ thuật do Cục Trồng trọt ban hành

Tái canh nhằm tăng năng suất và chất lượng của cây cà phê, qua đó nguồn thu từ tái canh được tăng dần. Trong khi đó, nguồn thu khi không tái canh sẽ giảm dần do năng suất của cây cà phê già cỗi và chi phí sản xuất vườn cà phê già cỗi tăng lên. Cũng bằng các tính toán mà tác giả thực hiện, thì lợi ích ròng tăng thêm do tái canh tạo ra có giá trị hiện tại ròng tài chính (NPVf) trên quan điểm tổng đầu tư là 391.887.817 VND và suất sinh lợi nội tại tài chính (FIRR) danh nghĩa là 22,72%, cao hơn nhiều so với WACC danh nghĩa, nên tái canh cà phê có lợi về mặt tài chính trên quan điểm tổng đầu tư.

Một dự án được thẩm định về mặt tài chính dựa trên việc ước lượng và đánh giá ngân lưu ròng. Ngân lưu ròng là dòng tiền cuối cùng chỉ thuộc về những người có quyền lợi trong dự án là chủ sở hữu và chủ nợ. Nói một cách khác, ngân lưu ròng của dự án bằng ngân lưu của chủ sở hữu cộng với ngân lưu của chủ nợ. Ở Hình 1 cho thấy, ngân lưu tài chính ròng âm trong 7 năm đầu kinh doanh. Mặc dù ngân lưu tài chính không tính đến chi phí công lao động của các thành viên trong nông hộ, song ngay năm đầu kinh doanh hộ nông dân đã không có khả năng trả nợ vay.

  

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Kết quả tài chính có nhiều khả năng chịu rủi ro từ các thông số trong tái canh cà phê, nên cần phân tích độ nhạy (gồm phân tích một chiều và hai chiều) các thông số này để xác định biến rủi ro trong tái canh. Phân tích rủi ro được thực hiện với các biến được xem là bất định và có ảnh hưởng đến hiệu quả của tái canh, gồm: Lạm phát; Lãi suất cho vay; Tỷ lệ đội giá chi phí đầu tư; Giá bán cà phê; Tỷ lệ thu hoạch quả cà phê.

Thực hiện phân tích độ nhạy một chiều

Lạm phát

Lạm phát có tác động đến doanh thu, chi phí đầu tư, chi phí hoạt động của tái canh và chi phí cơ hội của vốn nên ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính tái canh. Phân tích độ nhạy giá trị NPVf theo biến lạm phát (Hình 2) cho thấy, kết quả tài chính tái canh nhạy cảm với lạm phát. Doanh thu và chi phí đầu tư, chi phí hoạt động tăng theo lạm phát nên ngân lưu tài chính ròng cũng tăng theo. Lạm phát tăng cũng làm WACC danh nghĩa, tăng nhưng tốc độ tăng của lạm phát cao hơn tốc độ tăng của WACC danh nghĩa, bởi lãi suất vay nợ cố định. Vậy, khi lạm phát tăng sẽ làm NPVf tái canh cà phê tăng vì tái canh cà phê được hưởng lãi suất vay nợ cố định.

Hình 2: Phân tích độ nhạy NPVf theo biến lạm phát

Nguồn: Tính toán của tác giả

Lãi suất cho vay

Agribank tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất tái cấp vốn, mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ 1% đến 2%, nên tác giả giả định lãi suất danh nghĩa cho vay sẽ biến đổi từ 5%, 6%, 7%, 8%, 9%, 10%, 11%, 12%.

Hình 3: Phân tích độ nhạy NPVf theo biến lãi suất vay nợ

Kết quả tính toán NPVf tái canh cà phê khi lãi suất cho vay thay đổi (Hình 3) cho thấy, lãi suất cho vay càng giảm, thì NPVf tái canh càng tăng vì WACC danh nghĩa của tái canh giảm. Xu hướng điều hành là lãi suất cho vay hoạt động nông nghiệp của các ngân hàng thương mại giảm để khuyến khích sản xuất, nên khả năng giảm lãi suất cho vay tái canh có thể xảy ra.

Tỷ lệ đội giá chi phí tài chính

Trong thời gian thực hiện tái canh, giá của các yếu tố đầu vào có thể bị biến động do cung cầu của thị trường thay đổi, các hạng mục phát sinh ngoài dự toán, định mức thay đổi… Kết quả phân tích sự thay đổi tỷ lệ đội giá chi phí tài chính (Hình 4) cho thấy, NPVf tái canh sẽ không hiệu quả khi tỷ lệ đội giá chi phí tài chính tăng trên 55%. Trường hợp này có thể xảy ra nếu các yếu tố vĩ mô có biến động lớn bởi vòng đời tái canh tương đối dài.

Hình 4: Phân tích độ nhạy NPVf theo tỷ lệ đội giá chi phí tài chính

 

Giá bán cà phê

Giá bán cà phê phụ thuộc vào giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Tác giả giả định giá cà phê biến động trong khoảng 1.200 USD/tấn đến 3.000 USD/tấn, với biên độ 500 USD/tấn. Kết quả phân tích độ nhạy NPVf bởi giá bán cà phê (Hình 5) cho thấy, NPVf tái canh sẽ âm khi xuất khẩu cà phê thấp hơn 1.166 USD/tấn, NPVf tái canh sẽ dương và tăng dần khi xuất khẩu cà phê lớn hơn 1.166 USD/tấn. Do đó, nếu giá bán duy trì ở mức giá trung bình 1.800 USD/tấn, thì tái canh cà phê có hiệu quả tài chính.

Hình 5: Phân tích độ nhạy NPVf theo giá bán cà phê

 

Tỷ lệ thu hoạch quả cà phê

Kết quả phân tích độ nhạy theo tỷ lệ thu quả cà phê (Hình 6) cho thấy, tái canh cà phê sẽ không có hiệu quả khi tỷ lệ thu hoạch quả đạt dưới 68%.

Hình 6: Phân tích độ nhạy NPVf theo tỷ lệ thu hoạch quả cà phê

Thực hiện phân tích độ nhạy hai chiều

Qua phân tích độ nhạy một chiều thì thấy, ba biến số có ảnh hưởng đến ngân lưu của tái canh cà phê là: Giá bán cà phê, Tỷ lệ thu hoạch quả cà phê và Tỷ lệ đội giá chi phí tài chính. Từ đó, tác giả lập được ba cặp biến để chạy độ nhạy hai chiều.

Phân tích độ nhạy NPVf theo giá bán cà phê và tỷ lệ thu hoạch quả cà phê cho thấy, khi giá xuất khẩu cà phê xuống dưới 1.166 USD/tấn, thì tỷ lệ thu hoạch quả cà phê phải trên 100% thì tái canh cà phê mới có hiệu quả tài chính. Ngược lại, nếu giá xuất khẩu cà phê trên 2.000 USD/tấn, dù tỷ lệ thu quả chỉ đạt 70%, thì tái canh vẫn có hiệu quả tài chính.

Phân tích độ nhạy NPVf theo giá bán cà phê và tỷ lệ đội giá chi phí tài chính cho thấy, giá xuất khẩu cà phê xuống còn 1.166 USD/tấn thì tỷ lệ đội giá chi phí tài chính chỉ cần tăng 1% cũng làm cho NPVf tái canh cà phê âm. Trong quá trình thực hiện tái canh, nếu tỷ lệ đội giá chi phí tài chính tăng, hộ nông dân có thể tiên lượng được hiệu quả tài chính tái canh thông qua yếu tố giá xuất khẩu cà phê.

Phân tích độ nhạy NPVf theo tỷ lệ thu quả cà phê và tỷ lệ đội giá chi phí tài chính cho thấy, tỷ lệ đội giá chi phí tài chính và tỷ lệ thu quả cà phê có quan hệ đồng biến. Dù tỷ lệ thu quả cà phê đạt 110% nhưng tỷ lệ đội giá chi phí tài chính tăng 100%, thì tái canh cà phê không có hiệu quả về mặt tài chính. Ngược lại, dù tỷ lệ đội giá tài chính chỉ tăng 10%, nhưng nếu tỷ lệ thu quả chỉ đạt 70%, thì cũng làm tái canh cà phê không có hiệu quả tài chính. Vì vậy, hộ nông dân có thể chủ động quản lý sản lượng cà phê thông qua tỷ lệ đội giá chi phí tài chính để có hiệu quả tài chính.

Kết quả phân tích độ nhạy hai chiều cho thấy, chỉ khi nào giá xuất khẩu cà phê giảm xuống dưới 1.166 USD/tấn, thì tái canh cà phê không khả thi về mặt tài chính. Song, lưu ý mô hình cơ sở có NPVf tái canh 391.887.817 VND là rất lớn, nên dù những biến tỷ lệ đội giá chi phí tài chính, tỷ lệ thu hoạch quả cà phê và giá bán cà phê có thay đổi theo hướng tiêu cực cũng không làm thay đổi được tính khả thi của tái canh cà phê về mặt tài chính. Nói cách khác, kết quả phân tích tài chính cho thấy, hoạt động tái canh cà phê là có tính khả thi. Do đó, chính sách hỗ trợ tín dụng cho hoạt động tái canh cà phê là có cơ sở và người nông dân cũng rất muốn tái canh.

Một số kiến nghị

Có một điều đáng bàn là lựa chọn phương thức cho vay phù hợp để người nông dân có thể tiếp cận nguồn vốn, tránh tình trạng giải ngân chậm cho người nông dân xảy ra ở Agribank tỉnh Đắk Lắk.

Thời hạn vay của tái canh cà phê là dài hạn (12 năm), trong đó, phải có cơ chế hỗ trợ, như: ân hạn nợ gốc 8 năm, có cơ chế hỗ trợ trong những năm đầu kinh doanh. Chính vì thế, Agribank tỉnh Đắk Lắk sẽ không mặn mà với các dự án đầu tư dài hạn, vốn vay nhỏ vì chi phí giao dịch, quản lý, phần bù rủi ro nhiều, dẫn đến lãi suất cho vay cao. Do vậy, Agribank tỉnh Đắk Lắk cần được hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang hỗ trợ tín dụng bằng hình thức tái cấp vốn 100% vốn đầu tư. Lúc này Agribank tỉnh Đắk Lắk chỉ đóng vai trò trung gian và hưởng chênh lệch từ lãi suất cho vay và lãi suất tái cấp vốn để chi trả chi phí giao dịch, quản lý và phần bù rủi ro. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần ràng buộc Agribank tỉnh Đắk Lắk về phương thức cho vay. Cụ thể, có chính sách riêng dành cho hoạt động tái canh cà phê theo phương án: Thời hạn cho vay tối thiểu 12 năm, ân hạn nợ gốc và lãi vay 8 năm và sẽ thu hồi cả nợ gốc và lãi vay trong các năm còn lại.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên đồng ý cho các ngân hàng thương mại được hưởng chính sách trên để tạo môi trường cạnh tranh và người nông dân dễ dàng tiếp cận vốn vay./.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk (2006-2014). Niên giám Thống kê tỉnh Đắk Lắk các năm từ 2006-2014

2. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk (2013). Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/04/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2013

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk (2013). Báo cáo hiện trạng sản xuất và kế hoạch tái canh cây cà phê của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020

ThS. Lê Thị Lệ Thủy- ThS. Lê Thị Mỹ Tâm- Trần Khải Nam Trung 

Số chuyên đề cà phê - tháng 5/2016

 

 

Nguồn: 123chienluoc.com



Bảng giá
Giá cà phê tham khảo
Tên
Giá trị
Thay đổi
Tên Cà phê nhân xô
Giá trị 33700-33900
Thay đổi 200-200
Tên Trừ lùi
Giá trị 0-0
Thay đổi 0-0
Đăng nhập thành viên để xem các thông tin khác.
Chợ cà phê

TRANG THÔNG TIN NỘI BỘ

123 GLOBAL

02 Y Bih Alêo, P. Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột

Tòa nhà IBC, 1A, Công Trường Mê Linh, Q.1, TP. HCM