Sau một thời gian dài cây hồ tiêu ở “đỉnh vinh quang”, giúp nhiều nông dân đổi đời, thì nay giá tiêu liên tục giảm sâu và chỉ bằng gần 1/2 so với giá cùng kỳ năm ngoái khiến người trồng khốn đốn. Sau việc phát triển quá “nóng”, hồ tiêu đang khiến nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn “chặt – trồng”.
“Nóng” từ mạng xã hội đến thực tế
Ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, thời gian gần đây, trong các nhóm cùng sở thích trồng tiêu trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video, hình ảnh chia sẻ việc phá bỏ vườn tiêu để chuyển sang cây trồng khác. Gần đây nhất, một tài khoản Facebook ở Thừa Thiên - Huế công khai hình ảnh phá vườn tiêu với lý do “giá giảm, thu không đủ bù chi nên chuyển sang trồng rau an toàn cho nhanh thu hồi vốn”.
Tương tự, ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), sau khi giá chuối tăng trở lại, lại có người quyết định chặt tiêu để trồng chuối. Những người này có lẽ quên ngay cơn khốn khó vì chuối không có người mua mới xảy ra từ năm ngoái.
"Các hộ nông dân trồng tiêu nên thành lập tổ canh tác hoặc hợp tác xã để đảm bảo việc kết nối đầu ra cho tiêu cũng như nguyên liệu đầu vào sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng cho cây hồ tiêu”.
Ông Lê Văn Đức
|
Ông Lầm Mã Phúc ở ấp Tân Thành, xã Thanh Bình (Trảng Bom) vừa quyết định đốn hạ 2 mẫu tiêu đang cho thu hoạch. Ông Phúc trồng vườn tiêu này đã được 6 năm, nhưng có lẽ ông không được hưởng lợi nhiều từ “thời hoàng kim” của giá tiêu vài năm trước. Thực tế là gần đây, giá tiêu liên tục xuống thấp, chỉ còn khoảng 54.000 - 56.000 đồng/kg, bằng gần ½ so với cùng kỳ năm 2017.
Rõ ràng khi quyết định chặt tiêu, ông Phúc phải đặt hai loại cây lên bàn cân tính toán. Trồng tiêu phải mất vài năm mới cho thu hoạch, trong khi chi phí cây giống, phân bón, chăm sóc lớn hơn nhiều so với trồng chuối nên việc ông chặt một nửa vườn tiêu cũng là điều dễ hiểu.
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Thanh Bình, diện tích tiêu toàn xã đã giảm gần 100ha, thay vào đó là diện tích chuối già cấy mô. Tình trạng phá tiêu trồng chuối không còn xuất hiện đơn lẻ, hộ ít thì chặt vài sào, người nhiều đốn hạ cả chục mẫu tiêu không thương tiếc.
Diện tích tiêu giảm thì đương nhiên chuối phải tăng, hiện xã Thanh Bình có khoảng 400ha trồng chuối. Với giá từ 13.000 – 14.000 đồng/kg, mỗi ha chuối nông dân bỏ túi hàng trăm triệu.
Hình ảnh người dân phá vườn tiêu được chia sẻ trên mạng Facebook. Ảnh: T.L
|
Để thị trường lên tiếng
Theo quy hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu cả nước đạt khoảng 50.000ha nhưng đến năm 2017, con số này đã lên tới 120.000 - 130.000ha.
Theo ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), sở dĩ diện tích tiêu tăng chóng mặt những năm trước là do với Việt Nam, hồ tiêu là một cây trồng lợi thế với chất lượng tốt, năng suất cao hơn 2,5 – 3 lần so với bình quân chung của thế giới. Thời vụ thu hoạch hồ tiêu từ tháng 1 – 7, không trùng với thời gian thu hoạch tiêu của các nước Indonesia, Malaysia... nên rất thuận lợi trong tiêu thụ.
“Giá tiêu tăng chóng mặt là một thách thức lớn trong vấn đề thực hiện quy hoạch cây trồng ở các địa phương. Ở nhiều vùng, tiêu được trồng trên loại đất không phù hợp, đó là chưa kể bà con còn trồng xen tiêu trong vườn cà phê, diện tích trồng xen chiếm đến 15 – 20%”- ông Đức nêu thực tế.
Cũng theo ông Đức, ngay khi thấy hồ tiêu có dấu hiệu phát triển quá “nóng”, Bộ NNPTNT đã có quy hoạch đến năm 2030 định hướng cho các địa phương về phát triển hồ tiêu. Năm 2016, Bộ trưởng Bộ NNPTNT ra tiếp Chỉ thị 132 khuyến cáo các địa phương quản lý chặt diện tích tiêu hiện có; năm 2017, Bộ tiếp tục ra công văn nhắc nhở, yêu cầu kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 132...
Nhưng chỉ thị, định hướng của ngành chức năng không thể “mạnh” bằng sức hút của thị trường. Tâm lý nóng vội khiến nông dân không thể ngồi yên, người ta phá cà phê, điều, thậm chí cả... rừng để trồng tiêu. Bây giờ khi giá tiêu chạm đáy, một số cây trồng khác lên ngôi, người nông dân lại... phá tiêu.
Theo ông Lê Văn Đức, quan điểm của Bộ NNPTNT trong vấn đề phát triển hồ tiêu là ngừng mở rộng, không tái canh với diện tích già cỗi; xác định cây trồng phù hợp để chuyển đổi diện tích hồ tiêu không phù hợp, giảm diện tích trồng xen. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi thay vì sản xuất đơn lẻ "hộ nào biết hộ nấy" nhằm dễ dàng chia sẻ thông tin, phương pháp canh tác, cách đối phó dịch bệnh...
Khánh Nguyên
DÂN VIỆT