ĐCSVN : Tái canh cây cà phê để phát triển bền vững 14/09/2015 17:32

(ĐCSVN) - Cà phê đang là cây trồng chủ lực, có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện việc phát triển cây cà phê đang gặp những khó khăn, thách thức lớn, nhất là việc tái canh hàng trăm nghìn ha cà phê đang bị già cỗi trên toàn quốc.


 ...

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), diện tích cà phê già cỗi cần phải thay thế trong 5 đến 10 năm tới của cả nước khoảng từ 140 - 160 nghìn ha, chiếm 25% tổng diện tích cà phê trên toàn quốc, trong đó có khoảng 120 nghìn ha cà phê cần tái canh gấp tại khu vực Tây Nguyên. Nếu không được tái canh, chắc chắn năng suất, chất lượng và giá trị cà phê Việt Nam sẽ sút giảm trong những năm tiếp theo, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây cà phê.

Qua tìm hiểu tại một số địa bàn Tây Nguyên vừa qua, chúng tôi thấy, ở góc độ người trồng cà phê, nếu để tái canh cây cà phê già cỗi, chi phí mà nông dân bỏ ra rất tốn kém (bình quân 150 triệu đồng/ha) và lại mất nguồn thu nhập từ 5 - 6 năm. Do vậy, người trồng cà phê buộc phải “gắn bó” với vườn cà phê già cỗi. Đây đang là một thực trạng mà nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk nói vui rằng: “Bỏ thì tiếc…. mà làm miết cũng không đủ ăn”!

Trong khi đó, việc tái canh cà phê theo nhận định của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo một số tỉnh Tây Nguyên, phải cần vốn đầu tư lớn, nhưng tài sản trên đất của nông dân (nhà cửa, vườn cây cà phê) phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Điều này dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp với ngân hàng rất khó khăn. Giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế rất cao, nhưng khi xác định giá để thế chấp thì chỉ được tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hàng năm, lãi suất cho vay còn cao.

Bên cạnh đó, hiện các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên và một số vùng cà phê khác của cả nước lại không có khả năng tài chính, không có hoặc không đủ vốn tự có tham gia vào các dự án theo quy định. Vì thế, họ không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn ngân hàng để tái canh vườn cà phê bị già cỗi.

Một khó khăn khác nữa là việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật của người trồng cà phê nhìn chung vẫn còn hạn chế; khả năng sản xuất hàng hóa của người nông dân rất thấp; thiếu kiến thức lựa chọn phương pháp tái canh, cải tạo giống cà phê; không ít hộ có tư tưởng trông chờ vào các chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước…. 


Đây là những thực tế đang "đeo bám" người trồng cà phê khiến họ chưa thể phá bỏ vườn cà phê già cõi, kém chất lượng để tái canh.

Theo báo cáo của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), nguồn vốn tín dụng ngân hàng dành cho phát triển ngành cà phê Việt Nam những năm gần đây đang khởi sắc, trong đó, dự nợ cho vay phát triển cây cà phê trên toàn quốc đến cuối năm 2014 đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, riêng khu vực Tây Nguyên chiếm hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo UBND các tỉnh Tây Nguyên, việc cho vay phát triển cây cà phê chủ yếu tập trung ở các khâu như: Sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân, trong khi ngồn vốn cho vay tái canh cây cà phê còn khiêm tốn. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên chưa quan tâm nhiều, trừ ngân hàng Agribank là đơn vị đã mạnh dạn cho vay tái canh cây cà phê. Vì thế đến nay, dư nợ cho vay tái canh cây trồng này mới chỉ đạt 585 tỷ đồng.

Trước thực tế đó, để tìm lối ra cho cây cà phê già cỗi, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, chi phí khoảng 12.000 - 15.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, ngày 11/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê; đồng thời, có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương và UBND 5 tỉnh Tây Nguyên đề nghị phối hợp với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình này.

Theo Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nguồn vốn tín dụng cho vay tái canh cây cà phê cho các doanh nghiệp, HTX, hộ dân sẽ ở mức vay tới 150 triệu đồng/ha, thời hạn vay đến 8 năm đối với việc tái canh theo phương pháp trồng mới và cho vay 80 triệu đồng/ha, thời hạn vay 4 năm đối với tái canh theo phương pháp ghép cải tạo cà phê.

Với Chương trình cho vay trên, nhiều nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã rất quan tâm và cho đây là giải pháp tốt nhất mà Thủ tướng Chính phủ giúp người trồng cà phê gỡ nút thắt tài chính để tái cánh vườn cà phê; đồng thời, cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các HTX và nông dân có điều kiện tái canh, chăm sóc vườn cà phê hiệu quả, từng bước nâng cao giá trị và sản lượng cây cà phê.

 

 

 Người trồng cà phê rất cần nguồn vốn để đầu tư tái canh cây cà phê

Để chính sách tín dụng cho cải tạo cây cà phê già cỗi thực sự sớm đi vào cuộc sống, trước mắt, đòi hỏi các địa phương Tây Nguyên cần triển khai quy hoạch cụ thể vùng tái canh cây cà phê để ngân hàng có căn cứ xây dựng phương án cho vay; đồng thời xác định, lựa chọn vị trí, diện tích tái canh cây cà phê theo hình thức cuốn chiếu, nhằm tập trung huy động nguồn lực thực hiện tái canh cây cà phê có hiệu quả. Các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt là Ngân hàng Agribank tập trung nguồn vốn, đơn giản các thủ tục vay vốn, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, đảm bảo đồng vốn đến tay bà con nông dân được kịp thời.

Khẳng định về quyết tâm đồng hành cùng nông dân tháo gỡ nút thắt tài chính đối với cây cà phê già cỗi, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội cho Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tổ chức tại Lâm Đồng mới đây, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Agribank đã cam kết từ nay đến năm 2020, sẽ dành khoảng 10.000 tỷ đồng nguồn vốn trung hạn và dài hạn với lãi suất thấp hơn 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường để cho vay tái canh cây cà phê. Đồng thời, Ngân hàng này cũng sẽ sớm ban hành hướng dẫn cho vay tái canh cây cà phê, chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án nhu cầu vốn tái canh cho từng năm, theo từng địa bàn cụ thể.

Như vậy, với các chủ trương, chính sách tài chính, tín dụng kể trên, các doanh nghiệp, HTX và người trồng cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, các địa bàn trồng cà phê của cả nước nói chung sẽ có cơ sở, niềm tin để mạnh dạn đầu tư, thực hiện tái canh cây cà phê đã già cỗi, tiếp tục trồng và mở rộng hơn nữa diện tích cà phê mới, có năng suất cao hơn; qua đó, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam./.

 

Bài, ảnh: Đình Tăng

 

Nguồn: 123chienluoc.com

Tags


Bảng giá
Giá cà phê tham khảo
Tên
Giá trị
Thay đổi
Tên Cà phê nhân xô
Giá trị 33700-33900
Thay đổi 200-200
Tên Trừ lùi
Giá trị 0-0
Thay đổi 0-0
Đăng nhập thành viên để xem các thông tin khác.
Chợ cà phê

TRANG THÔNG TIN NỘI BỘ

123 GLOBAL

02 Y Bih Alêo, P. Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột

Tòa nhà IBC, 1A, Công Trường Mê Linh, Q.1, TP. HCM