Ngành cà phê vẫn thiếu liên kết28/04/2017 09:53

Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học - Nhà nước - DN - người sản xuất nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường thu mua và chế biến, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng cà phê.


 ...

Nếu nhìn ở số liệu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 4/2017 Việt Nam xuất được hơn 522,7 tấn cà phê với giá trị kim ngạch trên 1,18 tỷ USD, tuy giảm 9,2% về lượng nhưng tăng tới 21,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cà phê xuất khẩu trong kỳ đạt bình quân trên 2.266 USD/tấn, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê nhân, tuy nhiên lại không có vị thế tương xứng trong chuỗi giá trị cà phê thế giới. Đây được cho là rủi ro lớn của ngành đối với triển vọng phát triển bền vững.

Nặng về liên kết nguyên liệu

Dữ liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến cuối năm 2016 tổng diện tích cà phê cả nước đạt trên 645 nghìn ha. Riêng Tây Nguyên là vùng trọng điểm, diện tích trồng cà phê chiếm khoảng 90,2% của cả nước, trong đó trên 80% diện tích cà phê dưới 15 năm tuổi và đang trong thời kỳ cho thu hoạch tốt. Năng suất cà phê Việt Nam đạt khoảng 24,5 tạ/ha, thuộc mức cao của thế giới. Sản lượng cà phê nhân cả nước năm 2016 đạt gần 1,5 triệu tấn. Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch trên 3,35 tỷ USD.

Theo đại diện của cục này, hiện đã có nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chuyên canh cây cà phê hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các HTX này chủ yếu thực hiện cung ứng cho thành viên các dịch vụ đầu vào như giống, vật tư, dụng cụ làm vườn, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, xây dựng nhãn hàng hóa. Đồng thời cung cấp dịch vụ đầu ra như thu mua, ký hợp đồng tiêu thụ với DN; hoặc các dịch vụ khác như tín dụng nội bộ, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật sản xuất…

Ông Nguyễn Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia chia sẻ, các HTX đã thể hiện tốt vai trò của mình trong phát triển cà phê khi vận động nông dân cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, được công nhận và cấp chứng chỉ. Khi đáp ứng những tiêu chuẩn này, HTX sẽ thu mua với giá cao hơn so với thị trường nên thu hút các thành viên tích cực thực hiện theo quy trình. Chất lượng cà phê Việt Nam được nâng lên nhờ diện tích trồng giống mới tăng, canh tác theo quy trình nông nghiệp tốt. Đến nay đã có trên 297 nghìn ha với sản lượng trên 600 nghìn tấn cà phê nhân được chứng nhận.

Đồng thời, các HTX cũng đã liên kết với DN, dần khẳng định được thương hiệu và thâm nhập thị trường các nước, chống bị tư thương ép giá, ổn định đầu ra, tạo thu nhập khá cho các thành viên HTX, cải thiện và nâng cao đời sống của người sản xuất…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân, các DN còn có nhiều hạn chế. Hiện nay, nhu cầu liên kết là rất lớn, nhưng số các HTX thực hiện liên kết được với DN để tiêu thụ sản phẩm còn ít. Người nông dân đa số vẫn phải “tự làm, tự bán” là chính, dẫn đến rủi ro nhiều trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, nhiều HTX nông nghiệp còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa…

Nhẹ về chuỗi giá trị thương hiệu

Chia sẻ tại buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với đại diện ngành hàng cà phê, hồ tiêu diễn ra mới đây, ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định: “Mặc dù cà phê là cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu tỷ đô, nhưng mối liên kết giữa DN và nông dân trong sản xuất, chế biến vẫn lỏng lẻo, chưa thực sự gắn kết  thành chuỗi nhằm tạo ra giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam nêu lên một thực tế, hiện tỷ lệ cà phê chế biến sâu vẫn còn rất khiêm tốn, chiếm chưa đến 10% sản lượng cà phê cả nước. Nếu bổ sung 32 nghìn tấn cà phê chế biến của Nhà máy Cà phê hòa tan Tín Nghĩa trong năm 2017 thì tỷ lệ cà phê chế biến sâu của Việt Nam mới là 12%. Đây là con số rất nhỏ. Trong chuỗi sản xuất cà phê, chúng ta chỉ thu được vài % lợi nhuận.

Giải đáp câu hỏi “Chế biến lãi nhiều sao DN ít đầu tư?” ông Vinh cho rằng, đầu tư một nhà máy chế biến cần lượng vốn lớn, nhưng việc tiêu thụ cà phê ở trong nước gặp nhiều khó khăn, lại chịu áp lực cạnh tranh rất lớn của các DN FDI. Về thị trường, hiện các DN mới xuất khẩu được sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), một ít không đáng kể xuất sang Lào, Campuchia.

Cũng theo ông Vinh, mối liên kết giữa DN với nông dân đang có vấn đề. Việc mua bán cà phê qua thương lái ẩn chứa nhiều rủi ro. Vấn đề này đã được các DN trong hiệp hội họp bàn nhiều, nhưng các DN lớn đều cho rằng vấn đề này rất khó giải quyết.

Một nhược điểm nữa là mặc dù đã có tiêu chuẩn về cà phê xuất khẩu, nhưng hiện số DN tuân thủ đúng theo tiêu chuẩn quốc tế chỉ khoảng 1%. Điều này khiến cà phê của Việt Nam bị trả giá thấp. Chính vì thế, theo ông Vinh, một trong những vấn đề trọng tâm của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam trong những năm tới là thúc đẩy chế biến và tiêu dùng cà phê ở trong nước.

Còn theo các chuyên gia, để phát triển ngành cà phê bền vững trong thời gian tới, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học – Nhà nước – DN – người sản xuất nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường thu mua và chế biến, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng cà phê.

 

Nguồn: vfpress.vn

Nguồn: 123chienluoc.com



Bảng giá
Giá cà phê tham khảo
Tên
Giá trị
Thay đổi
Tên Cà phê nhân xô
Giá trị 33700-33900
Thay đổi 200-200
Tên Trừ lùi
Giá trị 0-0
Thay đổi 0-0
Đăng nhập thành viên để xem các thông tin khác.
Chợ cà phê

TRANG THÔNG TIN NỘI BỘ

123 GLOBAL

02 Y Bih Alêo, P. Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột

Tòa nhà IBC, 1A, Công Trường Mê Linh, Q.1, TP. HCM